Hơn 10 ngày trôi qua từ thời điểm ghi nhận trường hợp đầu tiên tử vong do bệnh bạch hầu, tại Nghệ An đang ổn định, không ghi nhận ca nhiễm mới.
Ổ dịch bạch hầu đã được kiểm soát
Ngày 13/7, Tiến sĩ Chu Trọng Trang, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Nghệ An cho biết, ổ dịch bạch hầu tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn đã được kiểm soát.
"Đến thời điểm này, ổ dịch bạch hầu đã trải qua hơn 10 ngày và không phát sinh ca mắc mới. Các mẫu bệnh phẩm dịch ngoáy họng và mẫu máu đều cho kết quả âm tính", đại diện CDC Nghệ An thông tin.
Có 119 người tiếp xúc với bệnh nhân bạch hầu nhưng đến nay sức khỏe đều ổn định. CDC Nghệ An.
Trong đó, ngoài bệnh nhân P.T.C. (18 tuổi, trú tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh) tử vong vào ngày 4/7, thì 119 người tiếp xúc với nữ bệnh nhân bạch hầu đều được cách ly, uống thuốc kháng sinh dự phòng, sức khỏe đều ổn định, không có dấu hiệu bất thường.
Bà Vi Thị Thanh, Chủ tịch UBND xã Phà Đánh cho biết, địa phương có 4 bản với khoảng 200 hộ dân. Qua điều tra dịch tễ, có 15 người tiếp xúc gần với bệnh nhân đã tử vong, nhưng đến nay sức khỏe vẫn ổn định.
"Những ngày qua, công tác khoanh vùng, cách ly được được chính quyền, lực lượng chức năng tích cực triển khai. Những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu đều được cách ly theo dõi tại nhà", bà Thanh nói.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An phối hợp với chính quyền địa phương, Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn, các trường học, trạm y tế điều tra, rà soát thông tin trường hợp tiếp xúc gần, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, phun hóa chất khử trùng, cách ly. Đồng thời, lực lượng chức năng tiến hành tiêm vắc xin phòng bạch hầu cho các đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng chưa được tiêm phòng.
Cho đến nay, Nghệ An không ghi nhận thêm ca nhiễm mới nào.
Riêng về bệnh nhân M.T.B (18 tuổi, trú tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh) có kết quả dương tính với bạch hầu cũng đang có tiến triển tốt. Sau thời gian điều trị bằng kháng sinh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân không có triệu chứng và thể trạng ổn định nên đã chuyển về Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục điều trị vào 11/7.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, bệnh nhân M.T.B được bố trí về khu cách ly tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới theo dõi, điều trị theo phác đồ. Theo báo cáo ban đầu, tình trạng bệnh nhân bình thường, không có triệu chứng. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm vẫn dương tính bạch hầu. Vì vậy, bệnh viện sẽ điều trị tiếp 1 tuần và tiến hành xét nghiệm lại.
Triển khai tiêm chủng tại các bản làng vùng cao
Kỳ Sơn là huyện có dịch bạch hầu lưu hành trong nhiều năm. Năm 2017 có 1 trường hợp mắc bệnh; năm 2021 có 5 trường hợp mắc bệnh; năm 2022 có 2 trường hợp.
Tỷ lệ tiêm chủng ở Kỳ Sơn cũng thấp hơn so với mặt bằng chung các địa phương tại tỉnh Nghệ An. Năm 2023, tại huyện Kỳ Sơn, tỷ lệ trẻ tiêm vắc xin 5 trong 1 tiêm đạt 64,8%; tiêm vắc xin DPT tiêm đạt 54,2%...
Cơ quan y tế vẫn không chủ quan, thực hiện phun khử trùng và thực hiện cách ly đối với những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân.
Nguyên nhân do các bản làng này còn khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội, tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số cao, địa hình đi lại khó khăn. Một số phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ về tác dụng của việc tiêm phòng và mức độ nguy hại của dịch bệnh, không đưa trẻ đi tiêm phòng đủ, mặc dù đã được trạm y tế và y tế thôn bản thông báo lịch tiêm chủng cho trẻ.
Vì vậy, trong thời gian tới, ngành y tế Nghệ An sẽ đẩy mạnh việc rà soát các đối tượng tiêm chủng mà chưa được tiêm để có kế hoạch tiêm bù, tiêm vét. Tiếp tục triển khai có hiệu quả việc tiêm chủng lưu động tại các bản làng, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để bao phủ tiêm chủng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của việc tiêm chủng…
Khuyến cáo của Bộ Y tế đối với bệnh bạch hầu.
Liên quan đến vụ việc ông Nguyễn Văn Thương, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An khuyến cáo, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng. Bởi bệnh bạch hầu đã có thuốc kháng sinh điều trị, có thuốc kháng độc tố bạch hầu và có vắc xin phòng bệnh.
Hiện nay, tất cả trường hợp tiếp xúc gần đã được uống thuốc kháng sinh dự phòng và lấy mẫu xét nghiệm âm tính, tiếp tục theo dõi ổ dịch trong vòng 14 ngày theo quy định.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên tiếp nhận thông tin sai lệch từ các phương tiện truyền thông không chính thống, không tự ý tiêm chủng vắc xin chứa thành phần bạch hầu khi chưa có hướng dẫn, khuyến cáo của cơ quan y tế trong vùng có dịch.
Sau khi nhận tin dịch bạch hầu xảy ra tại huyện Kỳ Sơn, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình đã kết nối với Công ty cổ phần Dược phẩm Ninh Bình hỗ trợ thực phẩm bảo vệ sức khỏe cho người dân huyện Kỳ Sơn thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An. Gồm có 720 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Nibiamin Gold, Siro Nibiamin, bột Nibicold, Siro Nibicold, Siro Honibifa, viên ngậm thanh phế Nibifa… với tổng trị giá 67.200.000 đồng.
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích5
Hấp dẫn
10
Đặc sắc
15
Tuyệt vời
Theo: Nguồn www.nguoiduatin.vn