Ngày 08/07/2023 12:11

Lớp mỡ trên gan vàng óng vì béo phì, chàng trai 18 tuổi 'cầu cứu' bác sĩ

Dù còn trẻ nhưng khi phẫu thuật mở ổ bụng, bác sĩ cũng giật mình vì lớp mỡ trên gan của bệnh nhân vàng óng.

 

Theo PGS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), ông vừa phẫu thuật thu nhỏ dạ dày giảm béo cho một thanh niên N.M.T (18 tuổi, trú tại Hà Nội) có chỉ số BMI lên tới 41. Người bình thường chỉ số này là 21-25. Bệnh nhân và mẹ tìm tới bác sĩ khi các biện pháp giảm cân nội khoa đều thất bại. Bệnh nhân luôn mệt mỏi, cảm giác sức lực cạn kiệt.

Khi mổ nội soi cắt bớt dạ dày cho bệnh nhân, bác sĩ giật mình khi nhận thấy trên lá gan, lớp mỡ vàng óng, các tạng khác cũng bị mỡ quấn đặc. Nếu bệnh nhân không giảm béo, giảm mỡ nội tạng, nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư rất lớn.

Theo chia sẻ của nam thanh niên, 4 năm gần đây vì áp lực học hành nên căng thẳng và ăn nhiều. Mỗi ngày đi học, nam bệnh nhân được mẹ cho 50.000 đồng ăn sáng, thực đơn là 2 cái bánh mì hoặc kèm theo chai nước ngọt. Các suất ăn đều dư thừa calo. Buổi chiều và tối, T. cũng ăn vội suất xôi thịt hoặc gà rán để đi học. Vì thói quen ăn uống thiếu khoa học nên cân nặng của T. tăng không kiểm soát. Bản thân bệnh nhân cũng ân hận vì lối sống dẫn tới còn trẻ đã mang nhiều bệnh.

Hay một nữ bệnh nhân khác chỉ 29 tuổi, trú tại Hải Phòng, đến khám vì mệt mỏi, ăn không ngon, đau tức hạ sườn phải. Bất ngờ, bác sĩ kiểm tra siêu âm gan nhiễm mỡ độ 3, rối loạn mỡ máu. Bệnh nhân này không quá béo, không uống rượu bia. Ban đầu, bác sĩ chẩn đoán mỡ nội tạng, cô gái còn nghi ngờ.

Lớp mỡ trên gan vàng óng vì béo phì, chàng trai 18 tuổi 'cầu cứu' bác sĩ

Hình ảnh gan nhiễm mỡ của bệnh nhân T., bác sĩ cũng giật mình. Ảnh: BSCC.

Bác sĩ Tuấn cho biếtgan nhiễm mỡ là tình trạng rối loạn chuyển hóa. Khi dư thừa lượng đường cũng tích tụ tại gan chuyển hóa thành mỡ. Những người thường xuyên ăn uống thiếu khoa học, lười vận động, lượng mỡ thừa cũng dồn về gan sẽ bị tích tụ trong các tế bào gan, lâu ngày sẽ gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ. Hiện nay, nhiều người gầy, ăn uống kiêng khem cũng xuất hiện tình trạng gan nhiễm mỡ.

Theo ông, mỡ nội tạng tập trung nhiều ở vùng gan, thận, ruột non. Mỡ tạng không thể nhìn thấy mà phải qua các biện pháp y tế như siêu âm, chụp CT. Mỡ nội tạng là thủ phạm gây ra các bệnh nguy hiểm như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, xơ gan do gan nhiễm mỡ có thể chuyển thành ung thư gan, bệnh thận mạn tính, bệnh đái tháo đường, giảm khả năng sinh sản ở cả hai giới…

Cùng quan điểm, thạc sĩ, bác sĩ Hà Vũ Thành, Khoa Nội soi và Thăm dò chức năng, Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết ngày càng có nhiều người trẻ tới khám phát hiện mỡ nội tạng. Tình trạng này thường liên quan tới ăn uống không đúng, thiếu hoạt động thể chất.

Theo bác sĩ Thành, để giảm mỡ nội tạng, người bệnh cần thay đổi chế độ ăn uống như hạn chế đường, chất béo, tinh bột. Ngoài ra, trong chế độ ăn cần tăng cường tiêu thụ rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt.

Chế độ luyện tập cũng rất quan trọng. Mỡ nội tạng có thể thay đổi nếu người bệnh chăm chỉ luyện tập bằng các bài tập thể chất như cardio, thể dục nhịp điệu, chạy bộ, đi bộ nhanh. Lưu ý, cần tìm hiểu kỹ khi tập luyện để tránh chấn thương. Nếu bạn có bệnh mạn tính nên tham khảo bác sĩ để tìm phương pháp vận động phù hợp với sức khỏe của mình.

Phương Thúy

Theo: Nguồn infonet.vietnamnet.vn