Ngày 01/12/2021 20:36

Tái thả 70 con cầy vòi mốc về tự nhiên

Đàn cầy vòi mốc được Trung tâm Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Việt Nam (SVW) thả trở lại môi trường tự nhiên sau hơn 7 tháng chăm sóc.

Số động vật được tái thả này nằm trong 100 cá thể cầy vòi mốc được Vườn Quốc gia Cúc Phương và SVW tiếp nhận từ Công an tỉnh Bắc Giang hồi tháng 4/2021. Số động vật này có nguồn gốc từ nhân nuôi để phục vụ nhu cầu làm thực phẩm, đã chuyển từ vùng biên giới phía Bắc xuống tiêu thụ và bị bắt ở Bắc Giang. Hiện chưa rõ nguồn gốc chi tiết điểm nhân nuôi các cá thể này.

Ông Trần Văn Trường, Trưởng nhóm cứu hộ và chăm sóc động vật hoang dã (ĐVHD) tại SVW cho biết, số cầy vòi mốc được tiếp nhận và chăm sóc hơn 7 tháng phục hồi sức khỏe, tập dượt leo trèo, phát hiện thức ăn để trở lại môi trường tự nhiên.

Trong số 100 con được tiếp nhận,10 con đã chết không rõ nguyên nhân, 70 con đủ điều kiện sống trong môi trường tự nhiên được tái thả. Trong đó, 32 con thả hôm 30/11, 30 con thả hôm 23/11. Dự kiến trong tuần sau, SVW sẽ tiếp tục tái thả tám con.

Tái thả 70 con cầy vòi mốc về tự nhiên

Một trong 32 cá thể cầy vòi mốc được tái thả vào ngày 30/10. Ảnh: SVW

Theo SVW, việc tái thả vào tự nhiên mỗi đợt cách nhau ít nhất 500 m để tránh tình trạng sinh sản cận huyết. Một số cá thể đang mang thai sẽ được nuôi cho đến khi đủ khả năng sinh tồn trong tự nhiên trước khi tái thả.

Những con cầy vòi mốc khi được tiếp nhận tại trung tâm được gắn thiết bị theo dõi để kiểm soát khả năng sống trong môi trường hoang dã. Trước đó chúng được nuôi trong các trang trại nên bị mất bản năng tìm kiếm thức ăn trong tự nhiên. Các cán bộ Trung tâm đã phải tìm kiếm hàng tấn hoa quả rừng, côn trùng, giun đất hay các động vật nhỏ làm thức ăn để nuôi sống và giúp chúng luyện tập.

Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Việt Nam cho rằng, nuôi nhốt động vật phục vụ nhu cầu sử dụng của con người đang tạo ra những hệ quả rất lớn cho công tác bảo tồn động vật hoang dã. Các nỗ lực cứu hộ để tái thả cầy vòi mốc không phải là biện pháp bảo tồn hiệu quả vì chi phí quá đắt đỏ. Tổng số tiền để mua thức ăn, thuốc thú y, nhân công lao động chăm sóc cho gần 100 con cầy vòi mốc trong hơn 7 tháng khoảng 900 triệu đồng.

Theo đó ông Thái kêu gọi người dân không ăn và không sử dụng những sản phẩm động vật hoang dã, kể cả từ các trang trại chăn nuôi chính là biện pháp bảo tồn hiệu quả nhất.

Theo: vnexpress.net

Tags: