Ngày 05/01/2023 16:32

Thức dậy thấy khó chịu, dễ cáu, phòng dấu hiệu bệnh hiểm gây đột tử trong đêm

Không ít người, đặc biệt là nam giới, khi tỉnh dậy vào buổi sáng thấy khó chịu, cáu kỉnh, đau đầu, hay ngủ gật trong giờ làm việc, giảm trí nhớ, mất tập trung... Đây có thể là dấu hiệu của hội chứng ngưng thở khi ngủ.

Không ít người, đặc biệt là nam giới, khi tỉnh dậy vào buổi sáng thấy khó chịu, cáu kỉnh, đau đầu, hay ngủ gật trong giờ làm việc, giảm trí nhớ, mất tập trung... Đây có thể là dấu hiệu của hội chứng ngưng thở khi ngủ.

ThS Phan Thanh Thủy, Bộ môn Nội tổng hợp - Đại học Y Hà Nội, cho biết ngưng thở khi ngủ là tình trạng xuất hiện những cơn ngừng thở hoặc giảm thở trong khi ngủ.

Bệnh hiểm nhưng nhiều người không biết mình mắc

Theo bác sĩ Thủy, những cơn ngừng thở gây suy giảm oxy trong máu và gây một loạt các biến cố về sức khỏe mà bản thân người bệnh không hề biết.

Bất kỳ ai, ở mọi lứa tuổi, đều có thể bị ngưng thở khi ngủ, nhưng thường gặp nhất ở tuổi trung niên, đặc biệt là nam giới, những người béo phì, bất thường cấu trúc đường hô hấp trên (amidan quá phát, hàm nhỏ, lưỡi to)…

Mới đây, một bệnh nhi mới 3 tuổi ở Biên Hòa, Đồng Nai, phải nhập viện cấp cứu vì ngưng thở khi ngủ. Người nhà bệnh nhi cho biết lần đầu bé nhập viện vì hội chứng này là tháng 2/2020, khi đó bệnh nhi mới 2 tháng tuổi.

Người béo phì, ngủ ngáy, nguy cơ ngưng thở khi ngủ tăng gấp 3 lần người bình thường. Ngoài ra, những người có thói quen sử dụng thuốc lá, rượu bia, chất gây nghiện, chất an thần… cũng có nguy cơ ngưng thở khi ngủ.

Có thể gây đột tử trong đêm

Theo bác sĩ Thủy, hội chứng ngừng thở khi ngủ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Ngoài việc khiến chất lượng giấc ngủ rất kém, người bệnh có biểu hiện buồn ngủ, rất hay ngủ gật ban ngày, gây giảm chất lượng cuộc sống, làm việc kém hiệu quả.

"Trẻ nhỏ mắc bệnh này có thể khiến việc học hành giảm sút, giảm trí nhớ, mất tập trung, ngủ gật trong lớp học" - bác sĩ Thuỷ nói. Đặc biệt ở người lái xe bị hội chứng ngừng thở có thể gây tai nạn giao thông, cực kỳ nguy hiểm.

Thức dậy thấy khó chịu, dễ cáu, phòng dấu hiệu bệnh hiểm gây đột tử trong đêm

Khám và tư vấn đo đa ký giấc ngủ - một trong những tiêu chuẩn vàng chẩn đoán ngưng thở khi ngủ. Ảnh: BVCC

"Theo các nghiên cứu đã được công bố, nguy cơ gây tai nạn giao thông ở những người mắc chứng ngừng thở khi ngủ cao gấp 3 lần so với những người không mắc" - vị bác sĩ cho hay.

Khi ngưng thở lúc ngủ, không khí không vào đến phổi để trao đổi oxy, gây ra thiếu oxy toàn thân, ảnh hưởng đến mạch máu ở tim, phổi, thận, tuyến tụy, não... Điều này sẽ gây nên các rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, ảnh hưởng đến các mạch máu não, mạch máu ở tim và khắp cơ thể.

Từ đây, bệnh nhân dễ dẫn đến bệnh tăng huyết áp, nguy cơ mắc bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ do tắc mạch não, xuất huyết não.

Một trong các rối loạn chuyển hoá hay gặp trong hội chứng ngừng thở là đái tháo đường, kéo theo một loạt biến chứng.

"Ngưng thở khi ngủ về lâu dài có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có nguy cơ gây đột quỵ, thậm chí đột tử trong đêm, người nhà không thể phát hiện hoặc đưa đi cấp cứu" - bác sĩ Thủy cảnh báo.

Dấu hiệu cần đi khám

Theo khuyến cáo của bác sĩ Thủy, nếu trong gia đình có người gặp các dấu hiệu sau đây nên đi khám chuyên khoa hô hấp để chẩn đoán bệnh.

- Thường xuyên ngáy, ngáy to: Đây là dấu hiệu phổ biến nhất, thở phì phò, hổn hển và cuối kỳ ngưng thở. Ngáy to nhất khi nằm ngửa, giảm khi nằm nghiêng

- Hay buồn ngủ vào ban ngày, hay ngủ gật thậm chí khi đang lái xe

- Thức giấc nhiều lần trong đêm, đi tiểu đêm nhiều

- Đau đầu buổi sáng, mệt mỏi cả ngày do thay đổi nồng độ oxy não trong đêm.

- Không biết mình có ngủ được hay không

- Giảm trí nhớ, kém tập trung khi làm việc, học tập

Thậm chí, người khác quan sát thấy có hiện tượng ngưng hoặc giảm động tác thở khi ngủ...

Thức dậy thấy khó chịu, dễ cáu, phòng dấu hiệu bệnh hiểm gây đột tử trong đêm

Người trẻ nguy kịch vì đột ngột ngưng tim ngưng thở, bác sĩ cảnh báo gì?Ngưng tim ngưng thở ngay khi đang sinh hoạt hay bơi lội, những bệnh nhân này đối mặt với nguy cơ tử vong lên đến 90%. Đáng chú ý, có trường hợp người bệnh mới hơn 40 tuổi.

Theo: Nguồn vietnamnet.vn