Ngày 15/02/2023 18:49

Đặc sản cây nhà lá vườn giòn sần sật, ngon nức tiếng đất võ Bình Định

Được làm từ nguyên liệu như thịt lợn, bì, riềng, vừng,… nhưng qua bàn tay khéo léo của người địa phương, món ăn này lại mang hương vị đặc trưng, với điểm nhấn bên ngoài là lớp rơm khô cuộn chặt đẹp mắt.

Nhắc đến ẩm thực Bình Định, người ta thường nhớ ngay đến các đặc sản như chả cá Quy Nhơn, gỏi cá chình, mắm nhum Mỹ An, gié bò Tây Sơn, bánh ít lá gai,… Tuy nhiên, nơi đây còn có một món ăn tuy dân dã nhưng không kém phần nổi tiếng, hút khách thưởng thức. Đó chính là tré.

Tré là món ăn dân dã xuất hiện ở nhiều tỉnh miền Trung nhưng ngon và nổi tiếng nhất phải kể đến tré Bình Định (Ảnh: Hoàng Quỳnh Sa, Tú Biển).

Tré Bình Định được làm từ các nguyên liệu chính gồm thịt lợn, tai, bì (da) lợn và một số gia vị đi kèm như riềng, tỏi, hạt mè (vừng) rang chín. Tùy khẩu vị, thói quen, phong tục ở từng vùng mà tré lại có cách làm khác nhau.

Tuy nhiên, nhìn chung, món tré của “đất võ” đều được chế biến từ phần thịt đầu lợn đã luộc chín rồi thái nhỏ và phần thịt ba chỉ được chiên lên, trộn đều với hạt tiêu, riềng, mè, bột nêm, muối, thính, tỏi.

Đặc sản cây nhà lá vườn giòn sần sật, ngon nức tiếng đất võ Bình Định

Các nguyên liệu làm món tré Bình Định (Ảnh: Hoàng Quỳnh Sa).

Đặc sản cây nhà lá vườn giòn sần sật, ngon nức tiếng đất võ Bình Định

Tré Bình Định là món ăn hội tụ đầy đủ ngũ vị giữa triết lý âm dương ngũ hành: chua, cay, mặn, ngọt và vị chát nhẹ của lá ổi non (Ảnh: Hoàng Thúy Vân).

Để làm tré ngon và chuẩn vị, người địa phương phải chọn loại thịt heo tươi, sạch. Thịt và da được cạo bỏ hết lông, rửa sạch rồi hấp chín trong một giờ. Riêng phần thịt nạc được chiên tới khi vàng đều, thái thành các lát mỏng. Sau đó, phần tai, thịt ba chỉ, thịt mông được cắt thành miếng vuông và thái nhuyễn. Bì heo cũng được cán mỏng và thái sợi đều tay.

Đem các nguyên liệu đã chín trộn đều với mì chính, đường, nước mắm, muối, hạt mè, tỏi,... theo tỉ lệ thích hợp, đặc biệt không thể thiếu riềng. Riềng phải chọn củ không quá già hoặc quá non, sau đó cạo vỏ, loại bỏ đất cát rồi rửa sạch, thái sợi chỉ.

Chờ hỗn hợp thịt ngấm gia vị, người ta bắt đầu gói tré trong lá chuối hoặc lá ổi già vừa tới để món ăn có mùi thơm, hương vị đặc trưng, đồng thời giảm bớt độ ngấy của thịt heo khi thưởng thức.

Tré ngon nhất khi được gói ủ thật kỹ bằng nhiều lớp rồi để lên men tự nhiên sau 2-3 ngày. Các loại gia vị hòa quyện vào nhau, tạo nên hương vị độc đáo cho món ăn nức tiếng đất võ (Ảnh: Cô Ba Bình Định).

Không chỉ tỉ mỉ trong khâu chế biến, món tré Bình Định còn tạo điểm nhấn bằng hình thức đẹp mắt bên ngoài. Món ăn được bọc bằng rơm khô, tuyển chọn từ những sợi suôn óng của thân cây lúa.

Công đoạn gói tré cũng rất quan trọng, đòi hỏi sự kỳ công, khéo léo của người làm. Tré Bình Định phải được gói trong lá ổi, bọc thêm lớp nilon. Sau đó lấy một nắm rơm, cột chặt một đầu, để rơm xòe đều rồi đặt gói tré vào giữa sao cho các sợi rơm phủ đều bên ngoài.

Tiếp đến, người ta cuộn rơm lại, cột dây bên ngoài bằng lạt tre hay dây nhựa rồi túm chặt buộc đầu còn lại. Dùng kéo cắt rơm thừa sao cho 2 đầu tré dài bằng nhau, đảm bảo tính thẩm mỹ cho món ăn.

Người dân “đất võ” thường kết nhiều cây tré lại thành chùm để treo trên gian bếp. Tré được lên men tự nhiên, sau 2-3 ngày thì chín, bắt đầu có vị chua nhè nhẹ và dậy mùi thơm nồng của riềng, tỏi.

Khi ăn, người ta sẽ lột lớp vỏ rơm và nilon bọc bên ngoài, dùng đũa đánh tơi tré rồi bày ra đĩa. Để tăng thêm hương vị hấp dẫn, tré thường được ăn kèm với bánh đa, các loại rau sống (rau thơm, dưa leo, đu đủ bào mỏng, chuối chát…).

Món ăn này thưởng thức cùng nước mắm chua ngọt hoặc tương ớt đều ngon.

Đặc sản cây nhà lá vườn giòn sần sật, ngon nức tiếng đất võ Bình Định

Tré được trộn với một số nguyên liệu, tạo thành món ăn vặt hút khách gần xa thưởng thức (Ảnh: Hoàng Quỳnh Sa).

Tré Bình Định được bán với giá dao động từ 35.000 – 50.000 đồng/chiếc tùy kích thước. Hiện tré cũng được vận chuyển tới nhiều tỉnh thành khắp cả nước, đáp ứng nhu cầu thưởng thức đặc sản của thực khách thập phương.

Từ món ăn dân dã, tré ngày càng trở nên phổ biến và được ưa chuộng. Tré thường xuất hiện trong mâm cơm của các gia đình Bình Định, đặc biệt khi có cỗ tiệc hoặc vào dịp lễ, Tết để chiêu đãi khách quý.

Theo: Nguồn vietnamnet.vn