GD&TĐ - Sáng 17/10, Trường THCS Trương Công Định, quận Lê Chân, TP Hải Phòng tổ chức chuyên đề “Ứng phó với những căng thẳng và áp lực” cho học sinh lớp 9.
Học sinh lớp 9 tham gia chuyên đề với những phần thể hiện ý tưởng đa dạng, hấp dẫn. |
Dự chuyên đề có ông Phạm Việt Anh- Phó Chủ tịch UBND quận Lê Chân cùng đại diện lãnh đạo các phòng, ban liên quan; Giảng viên Nguyễn Văn Minh- Khoa Tâm lý Giáo dục, Trường Đại học Hải Phòng; đông đảo cán bộ, giáo viên và 362 học sinh lớp 9 của Trường THCS Trương Công Định.
Lãnh đạo quận Lê Chân tặng hoa 2 cô giáo thực hiện chuyên đề.
Chủ đề của chuyên đề nằm trong chương trình Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp lớp 9: Chủ đề 3 “Rèn luyện bản thân”. Qua chuyên đề giúp học sinh xác định và có kỹ năng cần thiết để ứng phó với những căng thẳng trong quá trình học tập và những áp lực khác trong cuộc sống hàng ngày ảnh hưởng đến các em; Có khả năng ứng phó và hình thành ý thức rèn luyện; Biết cách tạo động lực cho bản thân để thực hiện hoạt động.
Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền- Phó hiệu trưởng Trường THCS Trương Công Định cho hay, chuyên đề được xây dựng trong 4 tiết ở hoạt động giáo dục theo chủ đề với sự tham gia của học sinh khối 9. Ở 2 tiết học trước, giáo viên hướng dẫn các em học sinh thực hiện Hoạt động 1Tìm hiểu cách ứng phó với căng thẳng trong quá trình học tập và trước các áp lực của cuộc sống và giao nhiệm vụ học tập. Dựa vào nhiệm vụ học tập được giao từ tiết trước các nhóm thực hiện tiếp hoạt động: Thực hành và rèn luyện cách ứng phó với căng thẳng trong quá trình học tập và trước các áp lực của cuộc sống.
Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền- Phó hiệu trưởng Trường THCS Trương Công Định phát biểu đề dẫn.
Trong tiết hoạt động giáo dục theo chủ đề này, các em học sinh khối 9 sẽ thực hiện nhiệm vụ học tập của mình qua các hoạt động: Khởi động: Nhận diện những căng thẳng và áp lực qua trò chơi “Đoán ý đồng đội”; Khám phá- Kết nối: Thảo luận cách ứng phó với căng thẳng trong quá trình học tập và áp lực của cuộc sống; Thực hành- Vận dụng: Rèn luyện kỹ năng ứng phó với căng thẳng trong quá trình học tập và áp lực của cuộc sống.
Trong chuyên đề, dưới sự dẫn dắt, định hướng của cô giáo Hoàng Thị Thanh Vân và cô giáo Lê Thu Thủy, học sinh các nhóm lớp và học sinh toàn khối được chia sẻ, lắng nghe những câu chuyện, xem tiểu phẩm thể hiện những áp lực căng thẳng trong học tập, cuộc sống gia đình, áp lực từ bạn bè của chính các em. Sau mỗi phần thể hiện, học sinh được giáo viên mời lên nêu cảm nhận, chia sẻ quan điểm cá nhân và cách giải quyết áp lực khi các em phải đối mặt.
Học sinh khối 9 toàn trường tham gia chuyên đề.
Có những bạn cho rằng em gặp áp lực vì học quá nhiều, học vì điểm, học cho ước mơ của bố mẹ. Điều đó đã làm em thấy mất đi sự hứng thú mỗi ngày đến trường.
Em Nguyễn Thuỳ Dương, lớp 9A6 cho rằng, ngày nay giới trẻ chịu nhiều áp lực không được sống đúng với lứa tuổi, học nhiều không có thời gian vui chơi và cũng không ít bạn phải sống cho ước mơ của người lớn.
Qua những chia sẻ đó, có nhiều em đưa ra lời khuyên, cái nhìn lạc quan và sự thấu hiểu cho những gánh nặng đang ở trên vai người lớn. Các em cho rằng, khi gặp áp lực từ sự kì vọng quá mức của cha mẹ, ta hãy tìm cách thích hợp nhất để tâm sự với cha mẹ, cởi bỏ nỗi lòng và cùng tìm cách giải quyết vấn đề một cách lạc quan, tích cực đúng với khả năng của mình...
Học sinh được hoá thân vào nhân vật để thể hiện ý tưởng và điều muốn nói.
Cũng không ít ý kiến của học sinh đồng tình với quan điểm: "áp lực tạo kim cương", "tự tạo áp lực - liều vaccine của giới trẻ ngày nay".
Em Phạm Thị Thu Trang, học sinh lớp 9A4 cho rằng, khi còn là học sinh chúng em sống trong vòng tay nuôi dưỡng, bao bọc của cha mẹ. Lớn lên đi học, bị áp lực học hành, áp lực từ các mối quan hệ trong trường, lớp và khi đi làm cũng có nhiều áp lực trong môi trường làm việc đòi hỏi mình phải đáp ứng để hoàn thiện bản thân. Vì thế, theo em việc tự tạo áp lực cũng là cách để hoàn thiện bản thân, cầu tiến và rèn giá trị của bản thân. Tuy nhiên, mỗi người cần có kế hoạch, mục tiêu rõ ràng và xác định được năng lực của bản thân để không rơi vào tình trạng khủng hoảng, bế tắc thì áp lực lại là "liều vaccine".
Trong chương trình các em học sinh còn được lắng nghe, chia sẻ và định hướng của thầy cô, phụ huynh học sinh và đặc biệt là của thầy Nguyễn Văn Minh, giảng viên khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Hải Phòng.
Thầy Nguyễn Văn Minh, giảng viên khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Hải Phòng tư vấn cho học sinh.
Theo thầy Minh, áp lực trong học tập, cuộc sống và các mối quan hệ xã hội luôn hiện hữu, thường xuyên xảy ra. Với các em học sinh, yếu tố quan trọng nhất là chính cá nhân các em hãy xác định đúng mục tiêu, phương pháp học tập phù hợp với khả năng của bản thân. Không tự tạo áp lực với chính mình bằng cách so sánh mình với các bạn khác, mà hãy so sánh với chính mình của ngày hôm qua để nỗ lực cố gắng. Bên cạnh đó, các em cần ăn uống, sinh hoạt khoa học, thường xuyên tập thể dục để tái tạo năng lượng tích cực, từ đó học tập sẽ tốt hơn.
Chuyên đề chuyên môn cấp quận lồng ghép với chuyên đề Đội cấp thành phố.
Chuyên đề chuyên môn đã thực hiện đúng, trúng mục tiêu của môn Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp lớp 9 đặt ra. Chuyên đề thể hiện sự sáng tạo, đổi mới trong hình thức tổ chức lên lớp với phương pháp phù hợp. Khi đó, giáo viên là người gợi mở, hướng dẫn, định hướng, tạo ra các tình huống, sân chơi lý thú. Ở đó học sinh được hoạt động nhóm, hoạt động cá nhân, được hoá thân vào các vai diễn để thể hiện ý tưởng; phương pháp thuyết trình, sân khấu hoá đã làm cho tiết chuyên đề thêm hấp dẫn, thu hút được học sinh toàn khối tham gia.
Đồng thời, chủ đề đặt ra mang tính thời sự, bắt vào tâm lý của học sinh, nhất là học sinh lớp 9 khi các em đang đối mặt với nhiều áp lực của kì thi chuyển cấp theo chương trình giáo dục mới. Đây là cơ hội để các em bày tỏ tâm tư, bộc bạch nỗi lòng, mong muốn cha mẹ, thầy cô cùng lắng nghe, thấu hiểu, đồng cảm và đồng hành cùng các em trên con đường chinh phục tri thức.
Tin liên quan Dạy học tiếng Anh lớp 8 thông qua hoạt động thực tiễn Hải Phòng: Thực hiện Chuyên đề Dạy học môn Tiếng Việt lớp 5 theo Chương trình mới Sử dụng công nghệ số kết hợp AI, thực tế ảo vào dạy học tại trường THPT
Theo: Nguồn giaoducthoidai.vn